Hôm nay tôi xin nói về cái hay của ca trù mà thật ra trong một đôi phút không thể nói hết được, tôi xin tóm tắt lại một vài điều mà chúng ta thường chưa biết về ca trù.
Trước hết, tại sao lại gọi là ca trù? Ca trù là hai chữ Hán-Việt: Ca là ca – Trù: là một thẻ tre. Ngày xưa thẻ tre đó dùng để thưởng Đào Nương, khi hát hay thì cho một thẻ tre, hai thẻ tre,… cho đến cuối thì đem đổi thẻ tre đó để lấy tiền chứ không phải vụt tiền lên sân khấu, mà ca trù có thể gọi là hát ả đào, Ả là một cô gái – Đào là họ Đào. Tại sao gọi là Ả Đào thì có hai giải thích :
- Giải thích đầu tiên là hồi xưa ở Triều Lý có một người con gái hát thật hay họ Đào nên từ đó tới sau có ai hát hay thì gọi là Ả Đào
- Truyền thuyết thứ hai là hồi đó ở làng Đào Xá có một cô gái hát rất hay mà lúc đó là lúc quân Minh đang chiếm nước Việt Nam, chiều chiều lính quân Minh chỉ tin cậy một đôi người để chun vào trong bao bố thắt chặt lại đừng cho muỗi vào, đến sáng thì mở ra, cô đó được quân Minh tin cậy cho thắt bao bố, thực sự là chừng 4 5 bao cô đó gọi thanh niên nhờ đem từng bao bố vứt xuống sông, vì vậy mà lính quân Minh hao tổn dần, do đó, quân Minh sợ mà đi ra khỏi cái làng đó. Dân làng đó nhớ công ơn cô gái họ Đào đó đặt tên thôn là thôn Ả Đào.
Chữ Đào đó nhiều người sau này đọc sai đi thành Đầu, thật ra Đầu có nghĩa khác cô Đầu là những cái người mà dạy học trò hát hay, những học trò mà hát được thành công nhớ ơn thầy thì lấy lại một chút tiền đầu rồi đưa lại cho người hát gọi là cô Đầu. Giống như người Nhật Yamoto khi học xong đi hát thì lấy tiền đầu đem về trả ơn thầy, thì gọi là cô Đầu. Giờ cái chữ Đầu đó sau này người ta nghĩ xấu đi về cô Đầu, người ta quên rằng nó có hai loại cô Đầu, cô Đầu Hát là khác, còn cô Đầu Rượu là khác.
- Cô Đầu Rượu là đem rươu mời khách rồi bày chuyện trăng hoa
- Cô Đầu Hát là người chuyên môn biết hát, cô Đầu chỉ biết hát rồi bị cô Đầu Rượu lợi dụng làm mồi để mà kéo khách.
Thì bây giờ chúng ta phải trả lại vị trí của cô Đầu hát lại, cô Đầu hát là ai, là những người thôn nữ phải biết hát mà học hát ở đâu, học hát ở trong một gia đình, ngày xưa không có ai dạy hát ngoài gia đình, thành ra chỉ có cha, mẹ dạy cho con, cha đờn dạy cho con trai đờn, mẹ hát thì dạy cho con gái hát, người nào muốn hát được trong gia đình đó phải xin làm con nuôi, rồi được gia đình đó nhận rồi dạy, mà trong khi dạy hát thì không phải là một đôi ngày, ba bốn năm sáu năm, khi mà người thầy thấy hát có thể được rồi mới cho phép mặc cái áo của ả Đào rồi làm cái lễ gọi là Lễ Mặc Áo, trong bữa lễ đó hát thì có một người gọi là sành điệu ngồi đánh cầm chầu, khi cầm chầu rồi thấy hát được đúng nhịp, đúng phách thì mới cho phép từ đó tới sau mặc áo đi ra hát, đầu tiên là hát để cúng thần, cho nên hát tại cửa đình. Vì vậy, hát ả Đào cũng kêu là hát cửa đình. Hát cửa đình để cúng thờ thì chẳng những người hát phái có cái giọng cho hay mà đặc biệt phải có tánh hạnh thật tốt, chớ tánh hạnh không tốt không được lựa đi hát ở cửa đình. Tánh hạnh không tốt thì không được lựa ra hát thi, thì điều đó người đi hát không phải là cái người bán phấn buôn hương, không phải là những người “trên bọc trong dâu”mà là những người con gái hiền lành có đức hạnh mới được cho phép hát, mới được làm ả đào.
Hát ở cửa đình xong rồi thì quan viên trong nhà thấy khen hay thì mới kêu, gọi những người đó về nhà hát riêng, thành ra từ hát cửa đình biến thành hát cửa quyền, mà hát cửa quyền đó mời thành ra đi hát chơi.
Rồi sao là kêu là hát nhà Tơ ? là bởi vì chữ tơ cũng là chữ ti của Hán Việt mà chữ ty đó là chỗ như ty giáo huấn, nên hát nhà ty hát nhà tơ là được quan quyền người ta mời xuống hát, hát ca trù đâu có cái gì đặc biệt đến nỗi người ta khen, thế giới người ta nghe, người ta sợ lắm, cứ nghĩ ca trù là một nghệ thuật vô cùng tế nhị, vô cùng độc đáo, mà không độc đáo sao được vì chỉ cần có ba người thôi, một người đào nương hát, vừa hát vừa gõ phách, một người đờn mà đờn đáy, một người là quản giáp, một người đánh trống chầu, vừa đánh trống chầu vừa đếm nhịp, điểm câu, đồng thời phê phán những câu nào hay thì có ba người mà làm được nên chuyện, ba người mà làm cho người ta say mê, ba người mà biến thơ thành nhạc, biến cho nhạc nó có thể điệu, nó có cả nét nhạc, nó có cả tiết tấu, nó có cả nhứng thay đổi trong tiết tấu, thì điều đó nó tuyệt vời, mà tiết tấu của nó không phải đơn giản mà nó vô cùng phức tạp. thành ra mỗi lần cô đào nương mà đánh phách thường thường thấy hai cái dùi mà quý vị cũng không để ý là một cây dùi tròn và một cây dùi dẹp ; đùi dẹp tức là tròn mà chẻ ra làm hai, thành ra hai cái dùi mà đánh ra một tiếng cao một tiếng thấp, một tiếng nặng một tiếng nhẹ, một tiếng trong một tiếng đục, một tiếng dương một tiếng âm, điều đó chứng tỏ người Việt nam tế nhị trong cách đánh phách, gnhe tiếng phách cũng đã thấy khác rồi, mà tiếng phách đó sòng đầu đánh khác, khổ giữa đánh khác, khổ chẳn đánh khác, khổ sit đánh khác, đánh từ câu phách khoan sang phách dồn, lưu khoan đánh khác,… nội ca trù nghe tiếng phách không đã thú vị rồi.
Kế bên có cây đờn, cây đờn đặc biệt vô cùng thế giới không có cây đờn nào giống như cây đờn đáy nước ta, đờn đáy thùng đờn là hình thang hay là hình chữ nhựt, cần đờn thật là dài, phím đầu tiên nằm ở chính giữa trục và đồ mắc dây, đó cũng là điều đặc biệt, đánh tiếng ra thì nghe tiếng trầm, bấm phím thì nghe tiếng cao, mà nó khác chỉ trong ca trù mới có tiếng khải tiếng vê tiếng vẫy, tay mặt và tay trái có thể nhấn bình thường mà có thể nhấn chùn, nhấn chùn thì tiếng nó xuống chứ lại không lên cao, điều đó là điều vô cùng đặc biệt. Cây đờn đáy đó mặc dù nó kêu tên là đờn đáy mà thùng nó không có đáy, ngày xưa người ta kêu là « vô lễ cầm » mà chữ đáy của nó không có nghĩa là không có đáy, mà có thể là do chữ đới là đeo, ngày xưa đeo, thì cây đờn đáy có tên đáy mà không có đáy vì thế nhà thơ Hải Phương có nói rằng :
« Tên em như có mà không,
Ba dây vẫn sống trăm sông về nguồn
Ca Trù đổ hột phách dồn
Tuổi phai xanh chạm tiếng đàn lại xanh »
Cây đờn đáy đó không phải tự nhiên mà có, đờn đáy đó từ đời nhà Minh, Lê Lợi anh hùng áo vãi đánh cho tan quân nhà Minh, một người trong đoàn Lê Lợi tên là Đinh Lễ là một thư sinh ra khu vườn sau gặp hai ông tiên mới dạy cho làm ra cây đàn này, khi gãy đờn tới đâu thì cá lội, chim bay tới mà nghe, người bịnh nghe thì hết bịnh, người nào buồn thì vui, bên làng bên có Bách Hoa tiểu thư 17-18 tuổi bị bịnh câm điếc người cha nghe nói làng bên có chàng thư sinh đó có cây đờn mầu nhiệm, đem lễ vật tới mời thư sinh đó, lúc khãy đàn Bách Hoa tiểu thơ đó đang ngồi trong rèm ăn cơm nghe tiếng đàn thì bỏ chén cơm xuống nói đàn hay quá, cầm hai chiếc đũa gõ xuống bàn hát lên nhờ đó mà hết bị bịnh câm, người cha có hứa rằng nếu ai chữa bịnh câm được thì gã con cho, may thay Đinh Lễ chưa lập gia đình hai bên kết hôn đặt ra bản đầu tiên là « Loan phụng hòa minh », ở với nhau được hai đứa con. Một hôm, Đinh Lễ tự hỏi rằng : « tại sao cây đờn này mình đờn người ta hết buồn, ta buồn ta đờn không hết buồn, có lẽ thầy ta gọi ? »
Đi ra tới ven rừng gặp hai thầy, thầy nói rằng : « Nhiệm vụ của nhà ngươi ở dưới trần đã hết rồi hãy theo ta về trời »
Đinh Lễ trả lời : « Dạ thưa, cho con về chia tay vợ con rồi quay lại »
Thầy bảo : « nếu nhà ngươi trở về thì lòng trần còn vướng, sẽ phải ở lại luôn hồng trần, muốn lên trời thì phải theo thầy ngay »
Đinh Lễ quay lại nói với gia đinh : « thôi hãy về báo với cô rằng ta đi theo thầy »
Khi gia đinh về báo, Cô không ngạc nhiên, ta biết như thế rồi, ta sẽ dạy hết những gì ta biết cho thế hệ mai sau, rồi một hôm tắm rữa xong xuôi nằm và đi theo chồng. Vua Lê nghe chuyện phong cho Đinh Lễ và vợ là Thanh Sà đại vương (bồ câu xanh)- Mãn đào hoa công chúa, đay là hai ông Tổ của ca trù ở làng Lỗ Khê.
Các bạn thấy rằng cái đờn đó nó đặc biệt, tiếng trống chầu cũng đặc biệt, dùi trống không được xĩa xuống mà nó hơi song song đánh tiếng nghe cho phong nhã, chứ không phải người nóng nãy, rồi gõ tiếng chát ở ngoài cũng phải như thế nào, thì khi đó cũng phải đánh theo sòng đầu, cũng phải đánh theo nhịp, khi hay thì khen, có khi khen bằng tiếng xuyên tâm tức là như lọt qua trái tim, như thùy châu là rơi nước mắt, thượng mã lên ngựa, hạ mã xuống ngựa, lạc nhạn là con chim nhạn bay xuống. Thì có những phong cách đánh, người biết đánh trống thì làm cho người trong cuộc cảm thấy hào hứng. Chỉ có 3 người mà làm bao nhiêu chuyện, nhiều khi nói chuyện cho thế giới nghe nó đặc biệt vô cùng, thang âm độc đáo, cách đờn độc đáo, thanh nhạc không phải hát mà la lên như bên phương tây, phải biết ém hơi ngậm miệng lại hát, miệng không mở mà nhả chữ ra như thế nào, đổ hột như thé nào, đổ con kiến như thế nào thì tất cả những nghệ thuật đó, nghệ thuật đàn đó, nghệ thuật đánh trống đó khi họ hiểu biết sơ qua, người ta nghe rồi thì không thể nào người ta làm ngơ được.
Nghệ sĩ nhân dân Quách Thị Hồ với các nghệ nhân tên tuổi lịch sử ca trù Việt Nam.
Cho nên năm 1976, khi được bà Quách thị Hồ hát, ông Đinh nhật Ban đờn đáy, còn Trúc Hiền đánh trống, lần đó đưa ra cái dĩa hát thì bên UNESCO nghe ngạc nhiên, gỡi cho bà Quách thị Hồ một bản danh dự xin cám ơn Bà đã giữ truyền thống độc đáo này cho đất nước Việt Nam, cũng là giữ một cái quý cho nhân loại, thì cái bảng đó tui đem về được Hội Nhạc sĩ mời Bà Hồ đến khen tặng, cái tài được thế giới chiêm ngưỡng, sau đó học trò của Bà là Nguyễn thúy Hòa ở Thụy Khuê Hà Nội sang bên Pháp biểu diễn, thì người Cha là ông Bùi đánh trống, người anh ruột là Tiến đánh đàn, cô Thúy Hòa hát, hát xong thì ghi âm vào trong một dĩa hát, dĩa hát đó nhà văn hóa thế giới phát hành, đưa ra một cái thì « Le monde de la Musique » Roland Rovere* chấm và được sắp hạng cao nhứt tức là trên 4 sao nữa (cao nhứt chỉ có 4 sao) Ông cho là shock,nghe cái này chấn động trong tâm hồn, thì điều đó chứng tỏ ra là khi nghệ thuật được giới thiệu một cách nhẹ nhàng, cắt nghĩa giải thích cho người ta biết được thì nghệ thuật đó tinh vi, Do đó tui thấy là điều đó là điều rất may, năm 1976, tôi nghĩ đây bất quá mình giữ lại một chút hương thừa, của những đóa hoa sắp tàn trên một cành cây cằn cỗi sắp khô héo, nhưng tui không ngờ sau khi ghi vào dĩa hát rồi được người ta hoan nghinh đưa ra những cuộc thi trên diễn đàn âm nhạc châu Á, được người ta đánh giá cao thì bỗng dưng cây cằn cỗi đó cũng giống như Hoàng Cầm đã nói : «được một cơn mưa mới ươm mầm non sắp thui đi, những hoa tàn lại thêm tươi»
Bây giờ ca trù đã hồi sinh, bây giờ có câu lạc bộ ca trù, không những có nhiều người hát ca trù, rồi trong Nam Đại học Hùng Vương mở ra Câu lạc bộ Ca trù, cho nên tôi thấy rằng nghệ thuật ca trù đó nếu được những người thanh niên để tâm, tìm hiểu, học hỏi, tập luyện thì tôi nghĩ rằng đó là một bộ môn rất quý vô cùng. Cho nên hôm nay đến đây mà tui nghe được có Câu lạc bộ ca trù, được các bạn đi tới nghe thế này là điều vui mừng vô cùng.
Nói về chữ hát thơ, tui nghe tui ngạc nhiên lắm vì trong truyền thống không có chữ hát thơ, thơ chúng ta thì đọc thơ, bình thơ, ngâm thơ, mà không có hát thơ. Ngâm thơ thì phải làm cho nhiều giọng mà không có tiết tấu, mà khi có tiết tấu rồi thì thơ biến thành bài hát khác. Đây là thơ hát theo điệu chèo, theo điệu hát văn, nhưng mà đây tui nghĩ là chữ mới sáng tạo. Tôi hy vọng rằng sau khi thể nghiệm một thời gian này chữ “hát thơ” này nó cũng biến thành một từ trong ngôn ngữ Việt, đó là chữ mà bên phương Tây người ta nói là chữ cho những nhà văn sáng tạo ra. Hát thơ tuyệt vời bởi vì thơ lục bát tuy là lục bát : « ta ta ta tả ta tà, ta ta ta tả ta tà ta ta » mà không phải như vậy, một cái người nhạc sĩ dân gian trên cái khuông đó mà biết lên cao thế nào, xuống thấp thế nào, một chữ cho hai chữ, thêm vào những chữ đệm, thêm vào những chữ lót, thêm vào, thêm vào những chữ để mà biến nó ra thành tiết tấu khác, âm điệu thành âm điệu khác, nó giàu không thể tưởng tượng, vì thế cái chuyện các bạn cho là hát thơ tôi cho cũng là tuyệt vời. Hôm nay trong hát thơ nó có hai chỗ là không thể hát thơ được đó là ca nhạc Huế và ca Tài tử, bởi vì ca nhạc Huế và ca Tài tử đó là nhạc có trước mà lời có sau, chứ không phải như trong hát chèo hát văn là lời có trước nhạc có sau, trừ hai điểm đó, ca tài tử và ca Huế là thơ đem giao lồng vào hát, chẳng hạn vọng cổ có 6 câu, câu thứ 6 thường thường lấy câu lục bát đưa vào, là lối lấy thơ đưa vào trong vọng cổ, vọng cổ là nhạc có cấu trúc động không định nên có thể chấp nhận mọi chuyện.
Xin lỗi các bạn tui nói về âm nhạc là tui say mê quên hết thời gian, nhưng hôm nay tui nhớ thời gian vì phải nhường chổ cho âm nhạc, xin cám ơn các bạn chịu khó nghe.
Lược ghi bởi NGUYEN CAO TRUONG