(BGĐT) - Thánh Thiên là một nữ tướng trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40-43 sau Công nguyên). Bà từng chiến đấu và hy sinh tại bến Ngọc thuộc thôn Ngọc Lâm, xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang) ngày nay.
Lễ rước tại Lễ hội đền Ngọc Lâm. |
Thánh Thiên công chúa là con một gia đình dòng dõi Lạc tướng thời Thục Vương. Sẵn có lòng yêu nước, cha bà là Lê Huyến đã đứng đầu một cuộc khởi nghĩa rồi bị giết hại, gia đình bị truy nã. Vốn là con nhà võ, có võ nghệ cao cường, cá tính mạnh mẽ, nợ nước lại thêm thù nhà, năm 16 tuổi, bà kêu gọi dân làng nổi dậy khởi nghĩa chống chính quyền thống trị Đông Hán. Dân làng và nghĩa quân tôn bà làm Nữ chủ. Dưới sự chỉ huy của bà, nghĩa quân đánh thắng một số trận tại vùng quê nhà. Để tránh thế mạnh của giặc, bà cho dời bản doanh từ vùng đồng bằng Kinh Môn lên vùng núi rừng Bắc Đái- một trong 10 huyện thuộc quận Giao Chỉ, theo phân chia đơn vị hành chính của nhà Đông Hán (nay thuộc tỉnh Bắc Giang) xây dựng căn cứ chống giặc. Ở căn cứ Bắc Đái, Thánh Thiên vừa rèn tập binh mã, vừa chia quân đi khai hoang trồng trọt để nuôi quân và tích trữ lương thực, lập lò rèn đúc vũ khí. Đồng thời, bà liên kết với các cuộc nổi dậy khác cùng phối hợp đánh giặc và lập nhiều chiến công.
Nghe tin cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đang lớn mạnh, Thánh Thiên liền đem quân về Mê Linh tụ nghĩa dưới ngọn cờ “Đền nợ nước, báo thù nhà” của Hai Bà. Mùa xuân năm Canh Tý (40), Hai Bà Trưng đem quân tiến đánh Mê Linh (nay là một huyện của TP Hà Nội), rồi đánh thẳng vào thành Liên Lâu (nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) là trị sở của Tô Định, đuổi viên Thái thú này ra khỏi bờ cõi, giành lại độc lập cho dân tộc Việt. Sau khi tự lập làm vua, Trưng Nữ Vương (tức Trưng Trắc) phong Thánh Thiên làm Đại tướng quân trấn giữ miền Hợp Phố (nay thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc).
Đầu năm Nhâm Dần (42), tướng nhà Đông Hán là Mã Viện lại kéo quân sang xâm lược. Trước thế mạnh của giặc, phòng tuyến Lãng Bạc bị phá vỡ, Hai Bà Trưng lui quân về Cấm Khê. Thánh Thiên từ mạn Bắc đem quân xuống cứu viện nhưng không kịp. Nghe tin Hai Bà Trưng đã tự tận (tháng 2 hoặc tháng 3 năm Quý Mão, 43), Thánh Thiên dẫn quân đóng trên sông Nhật Đức (tức sông Thương). Bị quân Đông Hán đến đánh, bà cho quân lui về Ngọc Lâm. Trong một trận giao tranh ác liệt, Thánh Thiên hy sinh tại bến Ngọc (tên chữ là Ngọc Chử, là một bến của con sông nhỏ Đa Mai) thuộc địa phận làng Ngọc Lâm ngày nay.
Cảm phục trước khí tiết của Thánh Thiên, dân làng Ngọc Lâm đã dựng một miếu nhỏ bên bến Ngọc để thờ bà. Về sau, ngôi miếu ấy được xây kiên cố thành đền Ngọc Lâm, được công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia. Ngoài ra, đình Ba Nóc ở Ngọc Lâm cũng là nơi thờ Thánh Thiên. Hằng năm, lễ hội đền Ngọc Lâm được tổ chức lớn vào ngày 12 tháng 2 (âm lịch), là ngày sinh của bà Thánh Thiên.
Cuộc đời và sự nghiệp của Thánh Thiên công chúa là cuộc đời của một người phụ nữ dám hy sinh thân mình vì dân vì nước, tinh thần ấy được thể hiện trong tư tưởng trung hiếu của bà. Khi cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng thành công, Trưng Trắc lên ngôi vua, Thánh Thiên được phong làm Thánh Thiên công chúa. Sau này, tên bà đã được dùng để đặt tên một con phố ở TP Bắc Giang ngày nay.
Đại tá, PGS, TS Nguyễn Văn Cần