Nhiều người dân ở xã Đông Tảo (huyện Khoái Châu, Hưng Yên) đến giờ vẫn còn ấn tượng về hoàng tử Nhật Bản, tiến sĩ Akishino và các nhà khoa học xứ Phù Tang tìm gặp những người nông dân nuôi gà đông tảo vào ngày 22.8.2012.
Nhân cúm gia cầm đang lăm le tái xuất, xin kể lại câu chuyện này để thấy sự quan tâm của giới khoa học quốc tế trong việc bảo tồn gen những loài vật nuôi quý hiếm dù là của quốc gia nào.
Hoàng tử Nhật Bản, tiến sĩ Akishino (thứ hai từ trái) được người dân Đông Tảo giới thiệu giống gà quý của họ.
Thượng khách từ phương xa
Tiến sĩ Akishino là một chuyên gia đầu ngành điểu học ở Nhật. Trước đó, ông đã đến huyện Mai Sơn (Hoà Bình), thăm các cộng đồng dân tộc thiểu số và nghiên cứu việc thuần hoá gà rừng (Việt Nam là một trong vài vùng đã thuần hoá và nhân giống thành công gà rừng).
Gia đình đầu tiên vinh hạnh đón khách quý là nhà ông Thái Thuỷ. Vốn là công nhân nhà máy đóng tàu Ba Son, cung cách tổ chức nuôi gà của ông mang tính khoa học và hợp sinh thái hơn. Tại đây, giống gà có bộ chân “rồng” khiến các nhà khoa học dẫu đã được xem tranh ảnh vẫn ngỡ ngàng. Vị hoàng tử được giới thiệu về quy trình nuôi, quy mô chuồng trại, các loại gà, máy ấp thủ công…
Gia đình thứ hai được hoàng tử đến thăm là nhà cụ Thi. Lão nông tuổi 80 tự hào kể ông nuôi gà này từ thời kháng Pháp. Trong vườn nhà cụ, từng “gia đình” gà được nuôi rải rác trong các chuồng được làm bằng vật liệu tận dụng nằm dưới tán những cây bưởi Diễn (một loại bưởi nổi tiếng ở miền Bắc). Các nhà khoa học Nhật cho biết cái cảnh nuôi gà phía trên là những chùm quả vàng, bên dưới những đàn gà bố mẹ dẫn con tìm sâu quanh gốc cây thế này ở nước họ không còn nữa, nên khi thấy cảnh này họ như sống lại thời xa xưa của nông thôn Nhật Bản.
Gà đông tảo.
Đến đâu, vị hoàng tử Nhật cũng “phỏng vấn” khá chi tiết, cặn kẽ, như gà được cho ăn thức ăn gì, ngô cho ăn đã nghiền hay để cả hạt, số lượng bao nhiêu; nuôi gà con ra sao, có cho uống thuốc dân gian gì không; rồi đến bán cho ai, giá bao nhiêu; liệu có thể nuôi giống gà này ở nơi khác... Người cung cấp một cách bài bản quy trình bảo tồn giống gà quý là anh Tích, con cụ Đốc, nguyên hiệu trưởng đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội. Ông Tích là chủ nhiệm đề tài bảo tồn nguồn gen gà Đông Tảo trong mạng lưới bảo tồn nguồn gen vật nuôi mà viện Chăn nuôi tổ chức.
Tài sản quốc gia
Điều khiến các nhà khoa học nước ngoài bất ngờ là những giống gà quý vừa mục sở thị lại được con người bắt từ rừng về, thuần hoá, chọn lọc và nhân giống. Như loài gà này chẳng hạn: gà rừng hoang dã có hai loài, từ đó con người đã chọn nên hơn 3.000 giống và trong số đó lại vô vàn dòng… Văn bản thế giới ghi rõ, giống vật nuôi là sản phẩm của trí tuệ, nhiều nước xem chúng là tài sản quốc gia, đó cũng là lý do các nhà khoa học nước ngoài dành cho những “nhà khoa học nông dân” xã Đông Tảo cái nhìn ngưỡng mộ.
Cách đây vài năm, đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Nhật điện hỏi viện trưởng viện Chăn nuôi là có phải gà Đông Tảo đã tuyệt chủng do cúm gia cầm? Viện trưởng bảo tôi đưa ngay vị đại sứ xuống xem. Sự quan tâm đặc biệt đó không phải không có cơ sở. Năm 2005, khi được lệnh bảo toàn các giống gà Việt Nam trong dịp cúm gia cầm, 4 giờ chiều khi văn bản chưa ráo mực thì chúng tôi đã lấy xe đi thẳng xuống xã Đông Ngạc, tới phòng thú y, chi cục Thú y Hưng Yên để truyền đạt công lệnh: “Gà Đông Tảo là đối tượng cuối cùng nếu phải diệt”.
Chuyện khách VIP từ phương xa quan tâm đến gà Đông Tảo Việt Nam cho thấy tầm quan trọng của việc bảo tồn gen những loài vật nuôi quý hiếm, bởi ở nhiều nước chúng được xem là tài sản quốc gia.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét